Vụ nổ siêu tân tinh kỳ lạ hé mở cái chết dữ dội của một ngôi sao

Vụ nổ siêu tân tinh của một ngôi sao khổng lồ cách Trái Đất 35 triệu năm ánh sáng đã hé mở về cái chết dữ dội và kỳ lạ của nó.

Những ngôi sao thường trải qua một cuộc đời dữ dội với cái chết đánh dấu bằng một vụ nổ sáng chói. Các nhà khoa học đã cố gắng trong nhiều năm qua để xác định điều gì thực sự xảy ra với những ngôi sao khổng lồ trước khi chúng đi đến đoạn kết bùng nổ này.

Hiện nay, một vụ nổ siêu tân tinh bất thường đang giúp các nhà nghiên cứu có thêm các bằng chứng để giải đáp câu hỏi trên.

Vụ nổ siêu tân tinh kỳ lạ hé mở cái chết dữ dội của một ngôi sao

Ảnh minh họa: CNN

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng Kính Thiên văn Hubble của NASA để quan sát một ngôi sao màu vàng khổng lồ 2,5 năm trước khi nó phát nổ trong một vụ nổ siêu tân tinh. Ngôi sao này nằm cách Trái Đất 35 triệu năm ánh sáng và thuộc cụm thiên hà Xử Nữ.

Những ngôi sao lạnh màu vàng thường được bao quanh bởi lớp hydro vào cuối đời, “lớp áo” khoác lên phần bên trong được nung nóng có màu xanh da trời. Tuy nhiên khi ngôi sao trên phát nổ, nó lại không có lớp hydro bao bọc bên ngoài, điều lẽ ra khiến cho ngôi sao này có màu xanh da trời đậm, cho thấy nhiệt độ cao như thế nào. Tuy nhiên, thay vào đó, ngôi sao mà các nhà khoa học quan sát được lại lạnh đi trước khi nó phát nổ.

XEM THÊM:  Quân đội Nepal bắt đầu chiến dịch làm sạch 6 đỉnh núi

“Chúng tôi chưa từng thấy cảnh tượng này trước đó. Một ngôi sao gần như không thể lạnh như vậy nếu không có lớp hydro bao bọc bên ngoài”, trưởng nhóm nghiên cứu Charles Kilpatrick, học giả tại Trung tâm Khám phá Liên ngành và Nghiên cứu Vật lý thiên văn thuộc Đại học Northwestern ở Illinois cho hay.

“Chúng tôi xem xét mọi mô hình các ngôi sao để giải thích cho ngôi sao này và mọi mô hình đều đòi hỏi ngôi sao này phải có hydro từ vụ nổ siêu tân tinh nhưng chúng tôi biết là nó không có hydro. Hiện tượng trên đã mở rộng mọi khả năng của vật lý”.

Nghiên cứu này được công bố hôm 5/5 trên Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia. Các nhà nghiên cứu tin rằng trong những năm dẫn tới vụ nổ siêu tân tình, bằng một cách nào đó, ngôi sao này đã bị mất lớp hydro.

“Những điều xảy ra với những ngôi sao khổng lồ ngay trước khi chúng phát nổ vẫn là một bí ẩn lớn chưa có lời giải. Chúng ta hiếm khi được chứng kiến một ngôi sao kiểu này trải qua những gì ngay trước khi nó phát nổ trong vụ nổ siêu tân tinh”, nhà nghiên cứu Kilpatrick cho hay.

Thật may mắn là kính Hubble đã quan sát được một ngôi sao trên trong một vài năm trước khi nó phát nổ. Tuy nhiên, những gì xảy ra lại không như dự đoán của các nhà khoa học.

Khi nghiên cứu thêm về vụ nổ siêu tân tinh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chất liệu của ngôi sao phát nổ đã di chuyển qua môi trường xung quanh và lao vào một khối hydro lớn. Họ tin rằng đây chính là lượng hydro biến mất đã bị tách ra khỏi ngôi sao.

XEM THÊM:  Kỳ bí phép Vu Na của người Miêu Trung Hoa cổ

“Các nhà thiên văn học nghi ngờ rằng ngôi sao này đã trải qua sự phun trào rất dữ dội trước khi chúng ta chứng kiển vụ nổ siêu tân tinh. Việc phát hiện về ngôi sao này cung cấp thêm những bằng chứng trực tiếp nhất cho thấy sự phun trào mạnh mẽ của những ngôi sao khiến chúng mất đi khối lượng trước vụ nổ. Nếu ngôi sao trên phun trào như vậy, có thể nó đã đẩy các khí hydro ra khỏi chính mính ở thời điểm một vài thập kỷ trước khi phát nổ”.

Một khả năng khác được đưa ra trong nghiên cứu mới là một ngôi sao song hành nhỏ hơn có thể đã thực sự kéo lớp hydro khỏi ngôi sao trên trước khi nó phát nổ. Cho tới khi có thể nghiên cứu về ngôi sao song hành trên, điều không thể thực hiện cho tới khi ánh sáng của vụ nổ siêu tân tinh mờ bớt trong 10 năm nữa từ bây giờ, bí ẩn vẫn chưa được giải đáp.

Dù vậy, các phát hiện trên đang giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về những ngôi sao lạ lùng đang chờ được khám phá trong vũ trụ./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: CNN

Nguồn VOV
https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/vu-no-sieu-tan-tinh-ky-la-he-mo-cai-chet-du-doi-cua-mot-ngoi-sao-855593.vov

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT