‘Săn’ khoáng sản trên không gian và đáy biển

Sự tăng tốc quá trình chuyển đổi sinh thái để chống biến đổi khí hậu khiến nhu cầu khoáng sản tăng mạnh. Trong khi các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản đang nhân rộng trên Trái đất, các ‘mặt trận mới’ là không gian và đáy biển cũng đang được các tập đoàn lớn nghiên cứu đầu tư.

Khi công ty khởi nghiệp Planetary Resources của Mỹ đặt chân vào lĩnh vực vũ trụ hồi đầu những năm 2010 với mục tiêu khai thác khoáng sản trên các tiểu hành tinh, dự án này đã thu hút nhiều nhà đầu tư tư nhân, bắt đầu từ Larry Page và Éric Schmidt, những người đứng đầu Tập đoàn Google, và cả nhà làm phim James Cameron.

Sự hào hứng, nhiệt tình đối với lĩnh vực khai khoáng trong không gian từ Mỹ đã vượt Đại Tây Dương, lan sang Luxembourg. Năm 2016, Luxembourg, thông qua Công ty quốc gia về tín dụng và đầu tư, đã chi 12 triệu EUR để mua 10% cổ phần của Công ty Planetary Resources.

Việc Luxembourg gia nhập dự án thăm dò khoáng sản trong không gian đã tạo cho họ một vị thế quốc tế để kết nối các lĩnh vực đầu tư và phát minh, sáng chế. Việc tham gia vào dự án Artemis của NASA nhằm đưa con người trở lại Mặt trăng cũng là phần tiếp nối trong chính sách của Luxembourg về lĩnh vực này.

Trong khi đó, Nhật Bản – một thành viên khác của dự án Artemis, cũng quan tâm đến nghiên cứu khoa học về cấu tạo của các tiểu hành tinh, một bước thăm dò các nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm năng trong không trung.

XEM THÊM:  Mộ cổ lạ trên 'đảo kho báu': 40 người bị 'niêm phong' trong bình rượu khổng lồ

Tháng 12-2020, tàu thăm dò không gian Hayabusa-2 của Nhật Bản quay trở về Trái đất sau sứ mệnh kéo dài 6 năm đi qua tiểu hành tinh Ryugu. Mục tiêu của sứ mệnh khoa học này là chứng minh Ryugu có thể có các thành phần nguyên thủy của hệ Mặt trời. Phi thuyền Hayabusa-2 đã lập kỳ công kỹ thuật, thu thập được 5,4 gram vật chất từ tiểu hành tinh Ryugu, với chi phí 126 triệu EUR.

‘Săn’ khoáng sản trên không gian và đáy biển

Các chuyên gia về phóng xạ của Nhật Bản tiếp cận tàu Hayabusa-2 khi quay về Trái đất

Tương tự, ngày 20-10-2020, Osiris-Rex, một tàu thăm dò không gian của NASA, đã thực hiện sứ mệnh đáp 6 giây trên tiểu hành tinh Bennu để thu thập mẫu bụi. Osiris-Rex dự kiến sẽ quay trở về Trái đất vào năm 2023 với mẫu bụi thu thập được.

Để đón đầu nhu cầu khoáng sản ngày càng tăng của thế giới, khai khoáng dưới đáy biển cũng được xem là một giải pháp do sự rộng lớn của không gian này. Nổi bật trong mảng đầu tư này có Na Uy. Sau 3 năm, thám hiểm đáy biển đã biến quốc gia Bắc Âu trên thành nước đi đầu trong ngành công nghiệp khai thác mới này.

Hồi đầu năm nay, Bộ Dầu mỏ và năng lượng Na Uy công bố khả năng ngay từ năm 2023 sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp để khai thác vùng đáy biển sâu – vốn giàu quặng đồng, kẽm, cobalt, vàng và bạc. Theo ước tính, có tới 6,9 triệu tấn đồng ở thềm lục địa Na Uy.

XEM THÊM:  Tàu vũ trụ của SpaceX đưa 4 phi hành gia về Trái Đất thành công

Nhật Bản cũng có các kế hoạch tương tự, với khả năng bắt đầu khai thác đáy biển từ năm 2026. Còn tại Canada, công ty khởi nghiệp DeepGreen, có trụ sở tại Vancouver, hồi năm 2019 đã thông báo huy động khoản tiền đầu tư 122 triệu EUR để bắt đầu thăm dò tìm kiếm tài nguyên khoáng sản ở một phần của Thái Bình Dương…

Tuy nhiên, hậu quả của khai thác đối với hệ sinh thái biển cũng gây nhiều lo ngại. Các nhà khoa học cảnh báo không nên chuyển đổi quá nhanh từ thăm dò tìm kiếm sang khai thác, do con người còn ít hiểu biết về môi trường dưới đại dương rộng lớn và sự sống dưới đáy biển. Dù ở đất liền hay biển khơi, việc bảo tồn cân bằng sinh thái là một tiêu chí để cân nhắc các dự án khai khoáng.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP
http://sggp.org.vn/san-khoang-san-tren-khong-gian-va-day-bien-733590.html

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT