Nghiên cứu mới hé lộ ‘manh mối’ về mực nước biển dâng trong tương lai

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh được công bố ngày 1/4, các dải băng tan chảy vào cuối kỷ Băng hà gần đây nhất có thể đã khiến mực nước biển dâng cao gấp 10 lần so với hiện nay.

Nghiên cứu mới hé lộ ‘manh mối’ về mực nước biển dâng trong tương lai

Băng lở từ sông băng Apusiajik ở gần Kulusuk, Greenland, ngày 17/8/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Dựa vào những hồ sơ địa lý, một nhóm nhà khoa học của Đại học Durham (Anh) ước tính rằng mực nước biển trên thế giới đã dâng cao 3,6 mét/thế kỷ trong một giai đoạn dài 500 năm cách đây khoảng 14.600 năm, tức là vào cuối kỷ Băng hà gần đây nhất. Phát hiện này đã làm tăng cảnh báo về nguy cơ mực nước biển dâng cao nhanh có thể nhấn chìm các thành phố duyên hải và những vùng đồng bằng đông dân trên thế giới.

Nhóm nhà khoa học Anh đã phát hiện rằng sự kiện mực nước biển dâng cao xấp xỉ 18 mét trong 5 thế kỷ vào cuối kỷ Băng Hà gần đây nhất có thể ban đầu là do các dải băng tan chảy ở bán cầu Bắc chứ không phải ở Nam Cực như dự báo trước đây.

Đồng tác giả của nghiên cứu, nhà khoa học Pippa Whitehouse thuộc Khoa địa lý của Đại học Durham nêu rõ: “Chúng tôi phát hiện thấy phần lớn mực nước biển dâng cao nhanh là do các dải băng tan chảy ở Bắc Mỹ và vùng Scandinavia, với phần đóng góp khá nhỏ từ Nam Cực. Vấn đề lớn tiếp theo là tìm hiểu nguyên nhân khiến băng tan chảy và những tác động của nó đối với dòng chảy đại dương ở Bắc Đại Tây Dương”.

XEM THÊM:  Sinh vật không đầu nửa tỉ tuổi mang đặc điểm tương đồng… con người

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này có thể hé lộ “manh mối quan trọng” về các dải băng tan chảy, cũng như mực nước biển dâng trong tương lai do sự ấm lên của Trái Đất.

Theo mô hình tính toán hiện nay của nhiều nhà nghiên cứu về khí hậu, mực nước biển trên toàn cầu có thể dâng cao từ 1-2 mét vào cuối thế kỷ này. Nhóm nhà khoa học Đại học Durham đã sử dụng dữ liệu chi tiết về mực nước biển kết hợp với công nghệ mô phỏng hiện đại nhất để tìm ra nguyên nhân gây ra mực nước biển dâng cao 18 mét trước đây. Các nhà khoa học kết luận rằng việc tan chảy các dải băng hồi đó có kích cỡ tương đương gấp 2 lần Greenland hiện nay, đã gây ra tình trạng lụt lội ở các vùng đất thấp rộng lớn và làm rối loạn các dòng hải lưu và gây ra phản ứng dây chuyền đối với khí hậu toàn cầu.

Các nhà khoa học Anh cho rằng xác định được nguồn nước từ băng tan sẽ giúp nâng cao tính chính xác của các mô hình khí hậu hiện được sử dụng để mô phỏng lại quá khứ và dự báo những thay đổi trong tương lai. Các nhà khoa học cho rằng những phát hiện này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dải băng Greenland đang tan chảy nhanh, góp phần làm dâng cao mực nước biển cũng như làm thay đổi dòng hải lưu trên toàn cầu. Năm 2019, hơn 500 tỉ tấn băng của dải băng Greenland đã tan chảy, chiếm 40% trong tổng số mức nước biển dâng trong cùng năm đó.

XEM THÊM:  Tại sao đập Tam Hiệp bị gọi là 'hình mẫu của thảm họa'?

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN
https://baotintuc.vn/the-gioi/nghien-cuu-moi-he-lo-manh-moive-muc-nuoc-bien-dang-trong-tuong-lai-20210401230238012.htm

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT