Mặt trăng từng có lúc "biến mất" do… núi lửa phun

Vào một số ngày trong tháng 5, khoảng năm 1110, Mặt trăng đã biến mất hoàn toàn khỏi bầu trời Trái đất. Hiện tượng bất thường từ một thiên niên kỷ trước vẫn tiếp tục gây bối rối cho các nhà thiên văn học cho đến ngày hôm nay.

Mối quan hệ giữa Trái đất, Mặt trăng và mặt trời đã được ghi nhận từ thời sơ khai. Ánh sáng vàng rực rỡ của mặt trời chào đón nhân loại và được coi là bình minh của một ngày mới, trong khi ánh sáng trắng nhẹ nhàng của Mặt trăng đưa chúng ta vào giấc ngủ hằng đêm.

Nhưng sẽ làm sao nếu một ngày một trong hai thứ đó bỗng dưng biến mất? Điều gì sẽ xảy ra nếu ngày đó kéo dài vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng?

Mặt trăng từng có lúc "biến mất" do… núi lửa phun
Mặt trăng của Trái đất

Sự việc như vậy đã xảy ra gần một thiên niên kỷ trước, khi Mặt trăng của Trái đất biến mất khỏi tầm nhìn trong nhiều ngày của tháng 5, khoảng năm 1110 – thời gian chưa được xác định cụ thể do khiếm khuyết của việc ghi chép thời đó. Bí ẩn vẫn chưa được giải đáp cho đến gần đây. Có người tin rằng sự biến mất của Mặt trăng đơn giản là kết quả của hiện tượng nguyệt thực. Tuy nhiên sự thật lại không đơn giản như thế.

Nhà thiên văn học người Anh George Frederick Chambers đã viết về sự kiện này trong cuốn sách xuất bản năm 1899 của ông. Khoảng 800 năm sau khi nó xảy ra, ông Chambers đã xác định ngày xảy ra hiện tượng Mặt trăng biến mất là 5 tháng 5, dưới thời trị vì của vua Henry I (không cụ thể năm).

“Toàn bộ sự việc xảy ra trước nửa đêm”, ông Chambers viết, “đây rõ ràng là một ví dụ của hiện tượng nguyệt thực “đen” – khi Mặt trăng trở nên khá vô hình thay vì sáng lên màu đồng quen thuộc”.

Nhưng liệu đó có thực sự là những gì đã xảy ra?

XEM THÊM:  Thiên thạch va trúng kính viễn vọng 10 tỉ USD của NASA

Tìm ra nguyên nhân sự vắng mặt của Mặt trăng đã trở thành một công trình nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Báo cáo Khoa học, dẫn đến một câu trả lời phức tạp hơn chúng ta tưởng.

Các nhà khoa học từng phỏng đoán rằng một vụ phun trào núi lửa Hekla của Iceland chính là thủ phạm. Núi Hekla, nằm ở cực nam của Iceland, được người châu Âu gọi là “Cổng vào địa ngục” trong thời Trung cổ do các vụ phun trào thường xuyên của nó.

Khi một vụ phun trào lớn xảy ra tại Hekla vào khoảng ngày 15/10/1104, các hạt lưu huỳnh đã phóng vào bầu khí quyển. Trong nhiều năm, vụ việc này được cho là nguyên nhân đằng sau sự biến mất của Mặt trăng nêu trên.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của một nhóm từ Đại học Geneva (Thụy Sĩ) đã bắt đầu làm hé lộ một số thông tin mới. Để xem liệu vụ phun trào Hekla có phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự biến mất Mặt trăng hay không, các nhà nghiên cứu đã phân tích các lõi băng từ Iceland và Nam Cực, và cuối cùng xác định rằng ngày phun trào Hekla không trùng với mốc thời gian 1104 mà muộn hơn, vào năm 1110.

Để tìm ra nguồn gốc thực sự, họ đã xem xét các ghi chép của thời trung cổ để tìm bất kỳ tài liệu nào liên quan đến “nguyệt thực tối” hoặc “nhật thực đen”. Sau nhiều thời gian tìm kiếm, nhóm đã tạo ra một bước đột phá với một đoạn từ Biên niên sử Peterborough vào năm 1110: “Mặt trăng đã bị dập tắt hoàn toàn đến mức không nhìn thấy ánh sáng, hình cầu hay bất cứ thứ gì khác”.

Khi biết sự vắng mặt của Mặt trăng bắt đầu vào khoảng năm 1110, nhóm nghiên cứu cho rằng một cụm núi lửa phun trào từ năm 1108 đến năm 1110 rất có thể là nguyên nhân thật sự, chứ không phải vụ phun trào Hekla năm 1104 như phỏng đoán trước đây.

XEM THÊM:  Top 10 câu hỏi về những điều quen thuộc trong cuộc sống khiến các nhà khoa học 'đau đầu' tìm lời giải

Một trong những phát hiện quan trọng liên quan vụ phun trào bị lãng quên diễn ra vào năm 1108 ở đảo Honshu, Nhật Bản. Một bản ghi của một chính trị gia Nhật Bản, được các nhà nghiên cứu phát hiện và trích dẫn trong nghiên cứu Báo cáo Khoa học, nói rằng một vụ phun trào rất lớn của núi Asama ở Honshu bắt đầu vào cuối tháng 8 năm 1108 và tiếp tục kéo dài đến tháng 10 năm đó.

“Vào ngày 29 tháng 8, núi lửa đã phun, và những cánh đồng và ruộng lúa khắp nơi trở nên không thể canh tác được”, ông viết. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều đó trong nước. Đó là một điều rất lạ và hiếm”.

Vụ phun trào năm 1108 tại Asama, được đội nghiên cứu gọi là “một trong nhiều sự kiện núi lửa lớn” lý giải cho “lượng aerosol ở tầng bình lưu, đủ để gây ra nguyệt thực tối”. Cần lưu ý rằng đây là hiện tượng khí hậu phạm vi toàn cầu, mà thời trước khoa học chưa đủ sức ghi nhận và lý giải.

Các vụ phun trào núi lửa từ năm 1108-1110 đã dẫn đến một số tác động xã hội ở châu Âu, đặc biệt là trong nông nghiệp. Các nhà nghiên cứu cũng đã miêu tả vô số hiện tượng điều kiện thời tiết lạnh giá khắc nghiệt, mất mùa và đói kém. Như vậy, việc Mặt trăng biến mất là hệ quả của việc phun trào núi lửa, nhưng đa số người đương thời không biết điều đó. Họ chỉ có thể giải thích đó là “điềm xấu” khi mùa màng thất bát và biến đổi khí hậu ùa đến cùng với việc Mặt trăng tắt ánh sáng.

Theo Theo Tiền Phong

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT