Hàn Quốc đột phá trong cuộc đua chinh phục không gian

Hàn Quốc mới đây đã trở thành quốc gia thứ 10 tham gia dự án Artemis của Mỹ để chinh phục không gian, đưa người lên Mặt Trăng.

Dự án Artemis thực chất là một Hiệp định có 10 quốc gia tham gia bao gồm Mỹ trong đó tập hợp các nguyên tắc đặt ra cho việc khám phá Mặt Trăng có trách nhiệm đối với các nước. Hiệp định được lấy tên từ chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên và xung quanh Mặt Trăng vào cuối những năm 2020.

Hàn Quốc đột phá trong cuộc đua chinh phục không gian

Chinh phục vũ trụ. Ảnh: Space News.

Bộ Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông Hàn Quốc hy vọng với việc trở thành nước thành viên thứ 10 của Hiệp định, Seoul sẽ mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ với Washington, tham gia vào các mảng đa dạng của chương trình thám hiểm vũ trụ Artemis. Theo đó khoảng 10 năm sau Hàn Quốc sẽ có những bước phát triển về công nghệ vũ trụ ngang tầm với quốc gia có tiềm lực trước đó.

Động lực thôi thúc Hàn Quốc tăng tốc trong cuộc đua vũ trụ

So với các cường quốc về vũ trụ thì Hàn Quốc có sự bắt đầu muộn, nhưng sự phát triển lại có những kết quả khả quan và nhanh chóng. Sau vụ phóng tên lửa Naro có trọng lượng 140 tấn và bị thất bại vào năm 2013, tới năm 2016 Hàn Quốc thực hiện Dự án phát triển tàu vũ trụ thăm dò Mặt Trăng trị giá hơn 197,8 tỷ won (hơn 166 triệu USD). Theo kế hoạch, tàu thăm dò này sẽ được trang bị một loạt máy ảnh, cảm biến và máy quang phổ để thu thập dữ liệu trên Mặt Trăng cũng như tiến hành các thử nghiệm kết nối không gian.

Vào đầu năm nay, Hàn Quốc quyết định đầu tư 615 tỷ won (khoảng 549 triệu USD) cho các dự án không gian vũ trụ trong năm nay, trong đó có kế hoạch phóng tên lửa đầu tiên do nước này chế tạo và phát triển các vệ tinh mới.

XEM THÊM:  Galileo và kính viễn vọng của ông đã thay đổi ý tưởng về vũ trụ như thế nào?

Theo đó, Hàn Quốc cũng có kế hoạch phóng tên lửa Nuri mới có trọng tải 200 tấn vào cuối năm nay trong khi vụ phóng thứ hai, mang theo một vệ tinh, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2022.

Bên cạnh đó, nước này sẽ đầu tư 322,6 tỷ won cho các dự án phát triển công nghệ và dịch vụ cho các vệ tinh mới, lập kế hoạch phóng vệ tinh quan sát thế hệ mới cỡ trung vào tháng 3 tới tại Kazakhstan và đang phát triển một vệ tinh liên lạc địa tĩnh mới để đưa lên quỹ đạo Trái Đất.

Cùng với việc tham gia vào sân chơi chung, thì tàu quỹ đạo Mặt Trăng đầu tiên của Hàn Quốc (KPLO – Korea Pathfinder Lunar Orbiter) dự kiến phóng vào tháng 8/2022 cũng đã được phát triển với sự hợp tác của NASA. Ngoài ra, ShadowCam, thiết bị có thể vượt qua hạn chế tầm nhìn để ghi lại hình ảnh ở khu vực tối trên Mặt Trăng sẽ được lắp đặt trên con tàu quỹ đạo này. ShadowCam dự kiến sẽ làm nhiệm vụ quay lại khu vực không có ánh sáng Mặt trời chiếu tới trên Mặt Trăng để tìm điểm đặt chân tiềm năng cho chương trình Artemis. Với sự kiện này, Hàn Quốc từng bước vừa phát triển công nghệ vũ trụ trong nước, kết hợp với sự hợp tác của những cường quốc về vũ trụ khác trên thế giới sẽ dần chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực phát triển không gian nói chung.

Với sự tham gia này, Hàn Quốc mong muốn hướng tới đặt mục tiêu đưa tàu vũ trụ của riêng mình lên Mặt Trăng vào năm 2030. Theo đó nước này tích cực thúc đẩy các dự án khám phá không gian đầy thách thức, bằng cách phát triển phương tiện phóng của chính mình và đến năm 2030 có thể đạt được ước mơ hạ cánh xuống Mặt Trăng. Bước đầu tiên này sẽ cung cấp nền tảng vững chắc cho Hàn Quốc trong việc chinh phục không gian.

Hàn Quốc muốn củng cố an ninh quốc gia qua cuộc đua này?

Từ nhiều thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc chiến trên mặt đất, trên biển, và các cuộc chiến đó đã chứng tỏ được sức mạnh của bên thắng và cũng như bài học về đảm bảo sự an toàn cho quốc gia, dân tộc. Và gần đây, chúng ta đã nghe thấy, nhìn thấy manh nha cái gọi là “ cuộc chiến đại dương”, nghĩa là những cuộc chiến trong lòng biển cũng đã bắt đầu.

XEM THÊM:  Lần đầu phát hiện hành tinh được "nâng cấp" thành quái vật

Riêng về không gian vũ trụ, từ nhiều chục năm trước những cường quốc trong lĩnh vực này như Nga, Mỹ đã phát triển nó. Và cũng chính quốc gia này cũng đã có những cạnh tranh trong cuộc chinh phục không gian.

Việc Washington đang tiến hành chương trình thám hiểm Mặt Trăng có người lái một chương trình đưa phi hành gia lên Mặt Trăng sau 50 năm kể từ dự án Apollo vào những năm 1970 là dấu hiệu cho thấy Mỹ rõ ràng đang có ưu thế lớn trong cuộc đua hiện diện ở sao Hỏa. Tuy vậy, các chuyên gia nhận định, cho đến nay, vẫn chưa có nước nào tự tin rằng mình có thể đưa người đến hành tinh nằm cách Trái đất 225 triệu km này.

Trong bối cảnh cuộc đua có dấu hiệu nóng lên trong những năm gần đây, cùng việc xuất hiện nhiều lo lắng rằng Trái đất ngày càng chật chội với loài người, Nga và Mỹ đều đang thể hiện tham vọng sớm đưa con người lên sinh sống trên hành tinh Đỏ và đánh dấu chủ quyền lần lượt với các thực thể ngoài không gian, bao gồm cả Mặt Trăng.

Từ góc độ đó, Mỹ muốn ra tay để các hoạt động chinh phục không gian có thể được minh bạch, ngăn chặn tranh chấp các hoạt động vũ trụ.

Hàn Quốc không thể nằm ngoài trong cuộc cạnh tranh này với tư cách là đồng minh của Mỹ. Hàn Quốc đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi cho sứ mệnh khám phá tiểu hành tinh gần Trái đất – Apophis. Việc này đảm bảo tính cạnh tranh, nhưng cũng là bước đi trước nhằm sắp đặt vị trí của quốc gia này ở một hành tinh có sự sống khác trong tương lai./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/han-quoc-dot-pha-trong-cuoc-dua-chinh-phuc-khong-gian-865033.vov

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT