Công ty Nhật Bản giúp nhân viên hẹn hò trong đại dịch

Các ông chủ Nhật Bản giúp nhân viên đăng ký ứng dụng hẹn hò với hy vọng tình yêu công sở sẽ thúc đẩy năng suất lao động.

Khoảng 800 công ty tại Nhật Bản đã đăng ký ứng dụng hẹn hò do trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ có tên Aill goen. Các ông chủ ở xứ sở hoa anh đào tin rằng nhóm lao động hạnh phúc trong tình yêu là những người làm việc hiệu quả hơn, theo Kyodo.

Tất cả thành viên đăng ký sẽ được ghép đôi với nhau dựa trên độ tương thích, phù hợp do AI tính toán.

Các nhà phát triển dịch vụ cũng nhấn mạnh việc tán tỉnh, hẹn hò của mọi người sẽ diễn ra trên “một nền tảng an toàn và bảo mật”.

Công ty Nhật Bản giúp nhân viên hẹn hò trong đại dịch

Đại dịch đã khiến nhiều người Nhật độc thân khó tìm được tình yêu. Ảnh: Reuters.

Rẻ hơn mai mối truyền thống

Aill goen ra mắt vào tháng 11/2020, thời điểm đại dịch bùng phát mạnh ở Nhật Bản khiến người lao động chuyển sang làm việc tại nhà.

China Toyoshima, giám đốc điều hành Aill Inc (đơn vị sở hữu Aill goen), cho biết: “Mục tiêu của tôi là tạo ra một nền tảng giúp nhân viên dễ dàng đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, từ đó thúc đẩy sự phát triển của công ty.

Chủ sở hữu lao động lo lắng về sức khỏe tinh thần của nhân công, những người hầu như không có bất kỳ tương tác thể chất trong giai đoạn dịch bệnh”.

Nhật Bản đang đối mặt với vấn đề nảy sinh từ thực trạng già hóa dân số và giảm tỷ lệ sinh. Năm 2022, tỷ lệ sinh được dự đoán là 7.109 ca sinh trên 1.000 người, giảm 1,33% so với năm 2021.

Cong ty Nhat Ban giup nhan vien hen ho trong dai dich-Hinh-2

Tỷ lệ sinh giảm, số lượng các gia đình một con tăng mạnh trên khắp Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

All Nippon Airways, Mizuho Securities và The Mainichi Newspaper là những công ty đã đăng ký sử dụng Aill goen. Họ cung cấp quyền truy cập ứng dụng cho nhân viên như một phần của gói phúc lợi.

XEM THÊM:  Trợ lý Ngọc Trinh tiết lộ chiếc xe đang đi, netizen "giật nảy mình"

Chi phí 6.000 yen/tháng sử dụng Aill goen rẻ hơn rất nhiều so với tiền thuê các công ty mai mối truyền thống. Trước đây, một số công ty Nhật Bản thậm chí trả tiền để nhân viên thuê dịch vụ mai mối, làm tiền đề để kết hôn.

Tỷ lệ đăng ký mai mối truyền thống tăng gấp 4 lần từ năm 2016 đến năm 2020. Nhưng đại dịch đã buộc nhiều người Nhật độc thân phải xem xét lại thói quen hẹn hò của họ.

Can thiệp khi cuộc trò chuyện bế tắc

Mặc dù ứng dụng hẹn hò với các tính năng được hỗ trợ bởi AI phổ biến trên khắp thế giới, Aill goen được kỳ vọng khác biệt khi có thể can thiệp vào các cuộc trò chuyện bằng tin nhắn, gợi ý người dùng đặt câu hỏi, trả lời và hẹn đối phương đi chơi.

Nhà sáng lập giới thiệu “Aill goen đưa ra lời khuyên mà mọi người có thể mong đợi từ một người bạn thân”.

“Ví dụ, công cụ AI có thể khuyên một người đàn ông rủ một phụ nữ đi hẹn hò xem phim hoặc đề nghị anh ấy đợi thêm nếu nó cho rằng đây chưa phải thời điểm thích hợp”, Toyoshima nói.

AI chỉ hỗ trợ khi xác định cuộc trò chuyện của cặp đôi đã đi vào bế tắc và “cần phải có sự can thiệp để xoa dịu tình hình”.

Tính đến tháng 12/2021, 76% người dùng tích cực đã sử dụng hỗ trợ AI của ứng dụng, theo khảo sát của công ty khởi nghiệp.

Cong ty Nhat Ban giup nhan vien hen ho trong dai dich-Hinh-3

Nhiều người Nhật tìm nửa kia thông qua dịch vụ mai mối. Ảnh: The Japan Times.

Kyushu Economic Federation (Kyukeiren), một tổ chức kinh tế ở Nhật Bản, đã tham gia dịch vụ vào tháng 3/2021 với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên và thúc đẩy năng suất công việc.

Izumi Tokisato, phó tổng giám đốc tại bộ phận hoạch định chính sách khu vực của tổ chức, nói: “Khi mọi người bước vào độ tuổi 30-40, họ trở nên miễn cưỡng sử dụng các ứng dụng hẹn hò. Nhưng nếu ứng dụng được giới thiệu thông qua một tổ chức được công nhận thì sẽ giúp họ dễ dàng hơn ở bước đầu tiên”.

XEM THÊM:  "Đu" trend làm thịt ba chỉ treo nắng, cô gái nhận cái kết đắng

Khoảng 10 công ty thành viên của Kyukeiren đã giới thiệu dịch vụ này cho nhân viên của mình, một số thông qua liên đoàn lao động.

Toyoshima, 36 tuổi, cho biết cô nảy ra ý tưởng phát triển Aill goen vào năm 2018, sau khi trở thành ứng viên cho vị trí điều hành tại một công ty dược phẩm lớn của Nhật Bản.

Việc thăng chức đồng nghĩa với thời gian làm việc kéo dài. Theo Toyoshima, phần lớn phụ nữ ở các vị trí cao khi đó đều độc thân và không có thời gian để hẹn hò.

“Các công ty muốn nhân viên thể hiện sự chủ động trong công việc, nhưng sự thật là nhân viên cảm thấy mệt mỏi do làm việc quá sức và không có thời gian cho cuộc sống cá nhân”, Toyoshima nói.

Khi con người càng có ít thời gian rảnh, Toyoshima cho rằng điều quan trọng nhất là phải tối đa hóa cơ hội thành công và chuyển sang sử dụng AI.

Dịch vụ của Aill xuất hiện trong bối cảnh bùng nổ sử dụng app hẹn hò trực tuyến. Chính phủ Nhật Bản cũng tăng cường hỗ trợ tài chính cho các thành phố sử dụng AI và big data để hỗ trợ hôn nhân trong bối cảnh tỷ lệ sinh liên tục giảm.

Chính phủ đã dành 2 tỷ yen để hỗ trợ nỗ lực mai mối của các chính quyền địa phương trong năm qua.

Trong khi đó, quy mô của thị trường mai mối trực tuyến ở Nhật Bản đã tăng gần gấp 4 lần từ năm 2016 đến năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng.

Theo Lê Vy/ Zing

Nguồn: https://kienthuc.net.vn/cong-dong-tre/cong-ty-nhat-ban-giup-nhan-vien-hen-ho-trong-dai-dich-1646488.html

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT