Chiến dịch Mậu Thân 1968 và tổ bay cảm tử

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhằm chi viện cho chiến trường, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân đã tổ chức một số chuyến bay tiếp tế lương thực, vũ khí vào Trị Thiên – Huế.

Từ bức thư của một cựu chiến binh

Thực hiện nhiệm vụ này đối với các tổ bay quả là rất nguy hiểm, phải bay trong vùng kiểm soát của địch ở độ cao thấp để tránh rađa phát hiện nên rất dễ xảy ra tai nạn như va vào núi hay gặp phải hỏa lực phòng không, nhưng anh em các tổ bay vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, họ coi những chuyến bay đó như những chuyến bay cảm tử. Và cuối cùng thì 4 chuyến bay cùng 32 chiến sĩ đã ra đi mà không trở về… Nhưng trong lòng người thân và đồng đội họ vẫn sống.

Chiến dịch Mậu Thân 1968 và tổ bay cảm tử

Một ngày đầu tháng 6/2005, Quân chủng Phòng không – Không quân nhận được một bức thư gửi đồng chí Tư lệnh. Bức thư của ông Lại Văn Vượng ở 91 – Mê Linh, quận Lê Chân (TP Hải Phòng). Ông Vượng nguyên là chiến sĩ Sư đoàn 324 – đã có thời gian dài tham gia chiến đấu ở tây Thừa Thiên – Huế. Ông Vượng cho biết, trong chuyến về thăm lại chiến trường xưa hồi tháng 5/2005 ở vùng A Lưới (một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên – Huế sát biên giới Việt – Lào) ông đã tình cờ biết được câu chuyện về một chiếc máy bay rất có khả năng là của ta bị rơi trên khu rừng gần xã Hồng Thượng. Theo bà con dân tộc Pa Kô kể lại thì thời điểm máy bay rơi khoảng năm 1965-1966 gì đó, thi thể tổ bay thu lượm được đã được một số đồng bào dân tộc chôn cất trên khu rừng đó.

Ông Vượng cũng cho biết, tại nhà của ông Nguyễn Xuân Toàn ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới còn giữ được một số hiện vật của chiếc máy bay nói trên. Riêng mấy ngôi mộ thì mấy chục năm trước đó vẫn yên vị ở chỗ cũ giữa khu rừng hoang lạnh, chẳng thấy ai đến thăm hỏi, cũng không đoàn quy tập nào đến tìm và bốc đi.

Ông Vượng còn cẩn thận chụp một số ảnh bằng chiếc máy tự động của mình, khi trở về ông đã làm ảnh và gửi 5 bức ảnh kèm theo lá thư để thêm căn cứ, trong đó có bức ảnh ông Toàn đứng bên mảnh cánh máy bay tại nhà. Ông Vượng cho rằng, rất có thể đây là máy bay của ta bị gặp nạn trong chiến tranh mà chưa ai biết.

Ông viết bức thư trên với hy vọng những thông tin ấy sẽ giúp cho Quân chủng Phòng không – Không quân xác minh và nếu đúng thì có thể sẽ tìm ra được tên tuổi tổ bay và đưa các anh về quê hương.

Năm 1968, sau khi sự việc 4 tổ bay không trở về, Quân chủng Phòng không – Không quân đã gửi công văn đi khắp các đơn vị, tỉnh, thành đề nghị phối hợp tìm kiếm và thông báo giúp, mong tìm ra tung tích những chiếc máy bay mất tích nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng, không có hồi âm.

Việc phi công chiến đấu gặp nạn trong chiến tranh không tìm thấy thi thể vẫn thường xảy ra, nhưng trong sự việc này thì quá đặc biệt, trong vòng 5 ngày cả 4 chiếc máy bay mất tích gồm 32 con người và gần chục tấn hàng mà không để lại một dấu vết gì thì quả là hy hữu. Các đồng chí tham gia các tổ bay đã được công nhận là liệt sĩ nhưng chẳng hề biết đích xác hy sinh ở đâu, một mẩu xương để cho người thân, đồng đội an lòng cũng là vô vọng. Gần 40 năm nay, người thân của các liệt sĩ vẫn sống trong niềm khắc khoải.

Sau khi nhận được bức thư trên, Quân chủng Phòng không – Không quân đã tổ chức kiểm tra hồ sơ lưu, lần lại lịch sử và nhận định, nếu đúng như thông tin cung cấp thì rất có khả năng đó chính là 1 trong 4 tổ bay IL-14 mất tích vào tháng 2/1968.

Ngay sau đó, Quân chủng Phòng không – Không quân đã thông báo và phối hợp cùng Đoàn bay 919 – là đơn vị chủ quản của tổ bay mất tích năm 1968, nay thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam để đi vào A Lưới xác minh sự việc. Sau hai lần đi lại, tìm đến địa điểm máy bay rơi và khu rừng anh em đã được chôn cất cũng như làm việc với cơ quan chức năng địa phương, ngày 11/7/2005, đoàn công tác đặc biệt của Quân chủng Phòng không – Không quân và Đoàn bay 919 đã lên đường vào Thừa Thiên – Huế để tiến hành tìm kiếm một số hiện vật và đưa hài cốt các liệt sĩ về an táng. Đoàn công tác gồm có ông Lê Xuân Đức – nguyên là một phi công cảm tử ngày ấy đã may mắn trở về; anh Lương Hữu Thuận, nguyên là kỹ thuật viên của loại máy bay IL-14, 2 cán bộ chính sách của Đoàn 919; anh Hùng – trợ lý chính sách của Quân chủng Phòng không – Không quân và tôi.

* * *

Huyện đội A Lưới nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh mới. Nhờ sự giúp đỡ của Bộ chỉ huy quân sự huyện, chúng tôi tiếp tục xuống xã Hồng Thượng và xã Phú Vinh nhờ giúp đỡ. Tại địa bàn, những người dân trực tiếp tham gia mai táng tổ bay năm 1968 hầu hết đều đã mất. Theo chỉ dẫn trong bức thư của ông Lại Văn Vượng gửi đến Quân chủng Phòng không – Không quân, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Toàn. Rất may, từ đây đã tìm ra manh mối.

XEM THÊM:  Tiết lộ lý do chim gõ kiến thích mổ gỗ

Đó là một gia đình dân tộc Pa Kô, dù có tham gia công tác xã thời gian dài nhưng giọng nói của ông và những người trong gia đình vẫn là thổ ngữ, ngọng nghịu rất khó khăn cho chúng tôi trong việc tiếp cận và tìm hiểu sự việc. Theo Toàn nói: “Lúc đó khoảng 7 giờ tối, tôi thấy một chiếc máy bay bay từ hướng thành phố Huế lên, một lúc sau một tiếng nổ rất lớn vang lên trong cánh rừng, sau đó những mảnh xác máy bay bắn tung tóe văng ra tận nơi gia đình tôi ở”.

Nhà ông Toàn khi đó sơ tán vào rừng, ở ngay gần nơi xảy ra sự việc. Sau đó, ông cùng với một số người trong làng đã tìm đến hiện trường thấy mảnh xác máy bay văng mỗi nơi một ít, một số vũ khí như súng K54, AK và nhiều nhất là lựu đạn còn nguyên cả hòm. Sáng hôm sau, mọi người bảo nhau tìm kiếm thì thấy một số bộ phận cơ thể phi công rơi rải rác chẳng biết mấy người, ruột gan và tóc mắc cả trên cây rừng, ông Toàn phải trèo lên gỡ xuống. Ông còn nhớ một mảng tóc có màu hung và hơi dài.

Sau đó, ông Toàn cùng với một người tên là Bo Hiêng và một số người khác đã tổ chức mai táng những gì tìm thấy. Trên mảnh cánh dài gần 3 mét, rộng gần 1 mét tại gia đình ông Toàn, anh Lương Hữu Thuận tìm được tất cả 13 vết đạn. Mảnh cánh này đã được ông Toàn lấy về, những năm trước nó được dùng làm giường ngủ. Sau này nó được dùng làm bàn, đứng trên 4 chiếc chân gỗ kê bên gốc cây gần bếp, gia đình ông vẫn dùng để… băm rau lợn. Trong nhà cũng còn một số hiện vật nữa của máy bay như tủ thuốc quân y trang bị trên máy bay vẫn còn màu đỏ của chữ thập sơn trên nắp hộp, một chiếc thùng đựng bình ắcquy được gia đình ông sử dụng đựng quần áo nhưng đã cho cô con gái làm “của hồi môn” khi đi lấy chồng ở xã bên…

Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào các hiện vật thì việc xác định đây là tổ bay nào trong 4 tổ bay cảm tử không trở về là rất khó, bởi các nhân chứng không nhớ ngày, tháng diễn ra sự việc. Ông Lê Xuân Đức, trưởng đoàn tìm kiếm cho rằng, căn cứ vào lời kể và một số hiện vật tìm được thì rất có thể đây là chiếc máy bay IL-14, mang số hiệu 506 do phi công Phạm Kế lái chính, xuất kích lúc 17 giờ ngày 7/2/1968 bởi trong tổ bay này có anh Nguyễn Văn Tê đầu bị hói nên anh thường để tóc dài rồi vuốt lên che phần hói đi nên khá khớp với lời kể của ông Toàn rằng có một mảng đầu tóc dài màu hung, còn việc màu tóc thì thực tế cho thấy trong những vụ tai nạn máy bay, tóc phi công và tổ lái bị đổi màu là chuyện thường, có vụ phi công tóc đen nhánh nhưng khi thu hồi thi hài, nhiều mảng đã trở nên bạc trắng. Tuy nhiên đó cũng chỉ là dự đoán. Kết thúc buổi tiếp xúc với gia đình ông Toàn, chúng tôi đặt vấn đề nhờ ông Toàn cùng một số thanh niên địa phương ngày hôm sau đưa vào nơi máy bay rơi.

Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại điểm tập kết trên đường Hồ Chí Minh thuộc xã Phú Vinh. Những thanh niên địa phương cũng có mặt. Lên đường. Chúng tôi lội qua rất nhiều con suối, len lách trong cây rừng, dù đã cẩn thận bôi thuốc chống côn trùng nhưng đi một đoạn, tôi vén chân lên thì đã thấy một vài chú vắt đang bám riết lấy bắp chân hút máu.

Các thanh niên địa phương đi trước, chặt cây rừng mở đường, họ có mang theo các dụng cụ để tìm kiếm hài cốt. Hai tiếng cuốc bộ đường rừng, khi bàn chân tôi gần như không muốn bước nữa thì cũng là lúc đến nơi. Địa điểm máy bay rơi là một sườn núi cao, độ dốc lớn nên các bộ phận của máy bay cũng phân tán rất rộng: dưới khe suối là nơi “dừng chân” của phần động cơ, đạn cối; rải rác từ trên đỉnh xuống khe suối là các mảnh dù để thả hàng nay vẫn chưa bị phân hủy; bên những hốc đá và trên một số chạc cây rừng, vẫn còn mắc những mảnh dù thả hàng; rải rác đây đó là những mảnh nhựa có chữ tiếng Nga, một quả lựu đạn chày còn sót lại.

Chiếc lốp máy bay thì đồng bào dân tộc đã cắt về làm dép cao su hết, chỉ còn một ít cao su sát vành sắt lủng liểng. Qua những gì còn lại tại hiện trường, ông Đức khẳng định đây chính là tổ bay của phi công Phạm Kế, vì xung quanh khu vực máy bay rơi còn nhiều mảng dù lớn để thả hàng nằm rải rác nay vẫn chưa bị phân hủy (tổ của anh Kế có nhiệm vụ thả dù hàng hóa, vũ khí nên cần rất nhiều dù). Sâu dưới lòng khe suối là hai chiếc “huyệt” còn mới do những người tìm phế liệu đào lấy động cơ để bán còn để lại miệng hố rộng hoác.

XEM THÊM:  Thiên thạch Apollo đang lao về phía Trái Đất nguy hiểm cỡ nào?

Nguyễn Văn Hải, một thanh niên dân tộc PaKô thuộc xã Phú Vinh là người được chúng tôi nhờ tham gia đoàn tìm kiếm kể, tháng trước chính anh đã đào chiếc tuốcbin này cùng với mấy chục quả đạn, tất cả được hơn 2 tạ đi bán cho hàng đồng nát được hơn 200 ngàn đồng. Bà con dân tộc địa phương thì nhặt nhạnh, đào bới những phần có thể lấy đi được; còn lại những mảng lớn, gần đây một số người dân ở nơi khác đem cưa nhỏ mang đi, đến nay thì những bộ phận lớn của máy bay bằng sắt thép đã bị “thanh toán” sạch.

Nhìn trước ngó sau một hồi, định vị lại địa hình theo trí nhớ, ông Nguyễn Xuân Toàn đã dẫn đoàn công tác đến vị trí mai táng. Chỉ một bãi đất trống, không có cây cổ thụ mà chỉ có những cây dại lúp xúp, ông gật đầu ra hiệu. Hai cán bộ của Đoàn 919 lụi cụi phát cây, tạo ra một khoảng trống, trải ra mảnh nilon màu xanh. Một chiếc thùng các-tông được úp ngược và trải giấy lên làm bàn, hoa quả, đồ lễ được bày ra.

Ông Lê Xuân Đức thắp hương và quỳ lạy: “Kính thưa linh hồn các anh trong tổ bay cảm tử xuân Mậu Thân, tôi là Lê Xuân Đức, là đồng đội của các anh đây. 40 năm qua, chúng tôi và đơn vị đã tìm kiếm các anh mà vẫn bặt vô âm tín, nay nhờ bà con chỉ giúp mới tìm được đến đây, mong các anh xá tội. Các anh sống khôn chết thiêng, cho chúng tôi gặp mặt, để đưa các anh trở về với gia đình, với đồng đội và quê hương…”. Sau khi làm các thủ tục về tâm linh, đoàn tiến hành đào, khoảng 20 phút sau thì tìm được một bọc nilon gói tròn nằm sâu cách mặt đất khoảng 70 cm.

Ông Toàn xác nhận đây chính là bọc mà ông cùng với những người dân chôn cất khi xưa. Tuy nhiên, khi mở bọc ra thì chỉ còn lại một số mảnh dù và đất đen, còn lại mọi thứ đã tiêu tan hết. Dưới những nhát cuốc khi thì hiện ra một chiếc tai nghe của phi công, khi thì một mảnh nhỏ bộ phận nào đó của máy bay có những hàng chữ tiếng Nga, khi thì một hộp dầu gió… Mười lăm phút sau đó, dưới nhát cuốc của một thanh niên, lại lộ ra một bọc nữa. Mọi người hồi hộp xúm lại, đất được bới nhẹ nhàng xung quanh, bọc nilon dần lộ ra. Ông Đức tay run run đỡ chiếc bọc màu xanh đưa lên mặt đất.

Chiếc bọc được thận trọng cắt dây buộc và nilon đã đông cứng, từng lớp, từng lớp được mở ra. Tất cả bao trùm một sự yên lặng. Tôi cảm giác từng chiếc lá cây rừng Trường Sơn cũng bất động. Không một làn gió, chỉ có tiếng sột soạt của nilon được gỡ tiếp. Mọi người trong Đoàn gần như chết lặng khi bất ngờ hiện ra hai dải xương dài chừng gang tay khi mà mọi thứ đã gần như không còn hy vọng. Đó là hai đoạn xương cánh tay.

Đoàn tìm kiếm cùng với thanh niên địa phương tiếp tục đào bới, nhưng không mang lại kết quả gì, ông Toàn cũng khẳng định đã hết. Như vậy là hài cốt toàn bộ tổ bay 8 người gom lại chỉ được bấy nhiêu. Hai dải xương cùng tất cả các hiện vật tìm thấy được chia làm 8 phần, cả những mảnh nilon và dù bay… 8 phần hài cốt tượng trưng được bọc vải đỏ, xếp thành hàng ngang. Ông Đức thắp một bó hương to cắm lên khói hương nghi ngút, những dải khói xanh uốn lượn len lách giữa màu xanh cây lá.

Cả đoàn công tác cùng đứng nghiêm cúi đầu mặc niệm. Ông Đức khấn cảm tạ các liệt sĩ. Đúng lúc đó, nắm hương cắm trước 8 phần thi hài bỗng bùng cháy… Trời Trường Sơn bừng nắng, những giọt nắng lọt qua tán cây chiếu trên 8 bọc vải đỏ ngay ngắn trước khói hương.

Khi trở về A Lưới, theo chỉ dẫn của Hải, chúng tôi tìm đến một điểm thu mua phế liệu nằm trên địa bàn trị trấn, quả nhiên đã thấy một số bộ phận của máy bay. Ông Lê Xuân Đức nhận ra một phần động cơ và bộ điều tốc của máy bay IL-14 nằm lẫn trong đám sắt vụn đủ chủng loại. Chủ hàng cho biết đã mua những hiện vật trên với giá 700 đồng 1 kg, nếu cần mua lại thì… giá 3.000/kg. Ông Đức đang đứng từ từ ngồi xuống, tần ngần mân mê những lá tuốcbin của động cơ. Tôi nhìn đống phế liệu là những bộ phận chiếc IL-14 của tổ bay cảm tử, nhìn ông Đức, cảm thấy xúc động dâng trào.

(Còn tiếp)

Theo Công An Nhân Dân

Nguồn TT&CS
https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/chien-dich-mau-than-1968-va-to-bay-cam-tu-1523754.html

BẠN NÊN XEM

TIN MỚI NHẤT